Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016

TAM ĐỘC: THAM, SÂN, SI

THAM

 “Tham” là tham lam. Ham muốn thái quá. Đắm say, thích thú muốn có nhiều những thứ mình ưa thích như tiền tài, sắc đẹp, danh vọng v.v… Lòng ham đó chẳng hề biết chán, càng được thời càng ham. Tham cho mình, rồi tham cho cả bà con quyến thuộc, quốc gia, xã hội của mình. Cũng vì lòng tham, mà nhân loại tranh giành giết hại lẫn nhau. Kẻ tham hay ghen ghét những người thành tựu. 

Nếu có tâm tham thời phải “tu tâm” ngay, phải tập tính “thiểu dục tri túc”. Thiểu dục là muốn ít, tri túc là biết đủ. Người thiểu dục, tri túc thì có một đời sống giản dị, thanh cao và an toàn vì biết đủ với những thứ mình đã có. Bỏ dần lòng tham đi để đạt tới được “vô tham”. Vô tham là không tham lam.

 Ở đời, có năm món dục lạc, mà người ta thường ham muốn nhất là: tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ. “Ngũ trần dục lạc” ấy, thật ra, vui ít mà khổ nhiều. Tham tiền thời phải đày đọa thân sống, đôi khi còn dùng những phương tiện bất chính để chiếm đoạt và khi mất thì lại đau khổ. Đối với sắc đẹp nên quán thân là bất tịnh, tham sắc thì nhiều khi lại lao vào những mưu chước tồi tệ để thỏa lòng dục vọng. Tham danh vọng, quyền tước thì phải vào lòn ra cúi, lao tâm khổ trí. Tham ăn uống cao lương mỹ vị thì bị nhiều bệnh khó trị, thân thể mệt nhọc, mạng sống không thọ. Tham ngủ nghỉ thì trí não hóa đần độn. Ngũ trần dục lạc đó chính là những nguyên nhân ràng buộc kiếp người vào vòng sinh tử, luân hồi, sa đọa. 


 Truyện tích kể rằng một phú gia không con, chết đi, bỏ lại tất cả tài sản sự nghiệp lớn lao. Vua truyền lệnh cho nhập gia sản của ông vào quốc khố và đến hầu Đức Phật. Vua bạch lại tự sự với Đức Phật và ghi nhận rằng mặc dầu nhà phú gia này ở gần nơi Đức Phật ngự, không bao giờ ông để bát cúng dường Ngài. Nhân cơ hội này Đức Phật kể thêm về tiền kiếp của phú gia là đã từng làm việc thiện bằng cách cúng dường một vị Bích Chi Phật nhưng lại tiếc của đem cúng và còn phạm một tội ác là giết cháu ruột để giành gia tài của anh mình. Đức Phật nhân đó dạy rằng: 

Giàu sang, tài sản dồi dào 
Chỉ làm hại được kẻ nào ngu thôi, 
Dễ gì hại được những người 
Đang cầu giác ngộ hướng nơi Niết Bàn, 
Chỉ vì ham muốn giàu sang 
Kẻ ngu tự hại bản thân đã đành 
Hại thêm cả kẻ xung quanh. 

 Đức Phật ngợi khen người không tham lam và khuyên mọi người nên cúng dường các vị đó. Nhưng khi bố thí nên suy xét kỹ càng. Làm vậy sẽ tương tự như nếu đem hạt giống mà gieo trên đất lành, đất màu mỡ thời hạt mới đơm hoa, kết trái sum suê. Nếu gặp người thọ thí có đức hạnh mà bố thí sẽ được phước báu nhiều. Giảng về quả phúc của người cúng dường đến bậc hoàn toàn thanh tịnh, Đức Phật dạy tham như cỏ hoang làm hại ruộng nương, đây là làm hại “đất tâm” của người tu hành và trị tham chẳng gì hơn là việc bố thí:

Cỏ hoang làm hại ruộng vườn 
Tham lam gây hại nhiều hơn cho người, 
Tham lam ai đã lìa rồi 
Cúng dường vị ấy chẳng nơi nào bằng 
Hưởng về phước báu vô vàn.

 Theo Kinh “Thập Thiện Nghiệp Đạo” người không tham muốn thì được thành tựu những điều tốt đẹp sau đây: Ba nghiệp thân, khẩu, ý được tự tại, của cải không bị mất mát, hưởng phúc đức và những sự tốt đẹp sẽ đến với mình, mặc dù mình không mong ước. 

 Đức Phật còn dạy là đừng để tham và sân, đừng để tội lỗi lôi mình vào cảnh khổ. Tội lỗi ở đây nghịch nghĩa với chánh hạnh, là không theo giáo pháp, trong câu sau này có nghĩa là sân hận. Căn nguyên của điều ác là tham lam và sân hận:

Các ngươi nên biết rõ rằng 
Dễ gì chế ngự việc làm ác đâu 
Tham lam, tội lỗi hố sâu 
Kéo ta xuống chốn khổ đau đời đời.

SÂN

 “Sân” là cơn giận, lòng giận dữ, nóng nảy, thù hận khi không vừa lòng, không được thỏa thích như ý muốn. Bất bình vì bị xúc phạm, nhân đó làm những chuyện sai trái. Sau cơn giận thời giữ lại lòng oán ghét tìm dịp mà trả thù. 

Sở dĩ sân sinh khởi là do lòng yêu thích “cái ta” hay thích “cái của ta”. Nếu người ta mắng nhiếc, chê bai kẻ nào khác thời ta không thấy giận, nhưng nếu ai chửi bới hoặc khiển trách ta hay người thân của ta, hoặc làm tổn hại tài sản của ta lập tức ta cảm thấy khó chịu ngay. Khi khó chịu tăng dần thời sẽ trở thành nóng giận. Nhưng nên nhớ rằng trên đời này không ai tránh khỏi bị khiển trách, bị chê bai, khó tránh khỏi miệng thế gian như Đức Phật đã từng đưa nhận xét:

Người con Phật hãy nghe đây 
Chuyện không phải chỉ đời này mà thôi 
Từ đời xưa đã nói rồi: 
“Làm thinh thời sẽ có người chê bai, 
Nói nhiều cũng bị chê hoài, 
Dù cho nói ít cũng người chê thôi”. 
Làm người không bị chê cười 
Thực là chuyện khó ở nơi cõi trần.

 Trong quá khứ, trong tương lai và trong hiện tại chưa hề có người nào bị tất cả mọi người chê bai hay được tất cả mọi người khen ngợi, đúng như lời Đức Phật dạy:

Ở đời toàn bị chê bai 
Hay toàn nghe tiếng người ngoài khen ta 
Từ xưa chẳng thấy xảy ra, 
Tìm trong hiện tại thật là khó sao, 
Tương lai cũng chẳng có nào.

 Nhưng vì bị chê bai mà nổi sân thời tai hại vô cùng vì lúc nóng giận thì con người không còn đủ bình tĩnh để tự kiểm soát hành vi và ngôn ngữ của mình. Kinh Hoa Nghiêm có nói: “Một niệm lòng sân hận nổi lên, thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra.” Và: “Một đốm lửa sân, có thể đốt hết muôn mẫu rừng công đức.” Đức Phật khuyên: “Hãy từ bỏ nóng giận thì phiền não sẽ không đến với các ngươi.”

 Phải tu tâm để đạt tới “vô sân”. Vô sân là không nóng nảy, hết giận hờn. Chúng sinh bị qua nhiều kiếp sinh tử luân hồi chính vì không thắng nổi lòng sân. Chư Phật được tự tại, giải thoát, là do dứt trừ được lòng sân tận gốc. Điều khó nhất là diệt trừ phẫn nộ ngay từ trong tâm. Khi tâm chúng ta không còn nghĩ đến giận hờn thì tự nhiên cơn phẫn nộ sẽ không bộc phát. Trong khi đốn cây để cất tịnh thất cho mình, thầy Tỳ kheo nọ vô tình làm tổn hại đến cái chồi non của một vị thần cây. Vị này nổi giận, muốn giết thầy nhưng kịp nghĩ suy nên kiềm chế được cơn sân hận của mình đang phát sinh. Đức Phật tán dương vị thần và dạy:

Khi cơn giận dữ bùng ra 
Ai mà ngăn được mới là người hay 
Giỏi như hãm lại được ngay 
Chiếc xe đang chạy chở đầy, phóng nhanh, 
Nếu không thì bản thân mình 
Cầm cương hờ hững tài tình gì đâu.

 Đại đức Mục Kiền Liên hỏi thăm nhiều vị Trời nhờ công đức gì mà được tái sinh vào cảnh trời. Các vị này kể ra những hành động xem ra có vẻ không quan trọng lắm như chân thật, nhẫn nại và bố thí v.v… Khi ngài Mục Kiền Liên bạch hỏi Đức Phật vậy những hành động tuy nhỏ nhưng tốt lành có thể nào dẫn đến các cõi trời không, Đức Phật dạy: 

Nói lời chân thật luôn luôn, 
Dẹp cơn nóng giận dỗi hờn khó coi, 
Dù ta có ít của thôi 
Cũng chia bố thí cho người đến xin, 
Nhờ ba việc tốt lành trên 
Đưa ta đến cõi chư thiên, cõi trời.

 Giảng về quả phúc của người cúng dường đến bậc hoàn toàn thanh tịnh, Đức Phật dạy rằng cỏ dại làm hại ruộng vườn thời lòng sân hận cũng làm hại loài người. Vì vậy người nào diệt hết lòng sân hận thì người đó đáng được ngưỡng vọng và khâm phục: 

Cỏ hoang làm hại ruộng vườn 
Lòng sân gây hại nhiều hơn cho người, 
Ai lìa sân hận được rồi 
Cúng dường vị ấy chẳng nơi nào bằng 
Hưởng về phước báu vô vàn.

 Voi là một con vật quan trọng hàng đầu trong số những thú vật được con người huấn luyện để sử dụng. Giống như voi với sức mạnh có thể bứng gốc một thân cây, quấn vòi quanh thân cây ấy để mang đi dễ dàng, Đức Phật dạy rằng con người cũng có thể tạo cho mình tiềm lực vật chất, nghị lực tinh thần, lòng kiên nhẫn và sức mạnh, chẳng khác một con voi thuần thục. Luyện được lòng nhẫn nhục mới là khó:

Luyện voi dự hội, tài thay 
Luyện voi vua cưỡi cũng hay vô cùng, 
Nhưng mà nếu luyện được lòng 
Luôn luôn nhẫn nhục, chẳng còn nổi sân 
Khi nghe phỉ báng bản thân 
Mới là điêu luyện, muôn phần tài hơn.

 Đức Phật dạy rằng tự chế ngự được mình mới là điều rất quý và người chịu cố gắng, đủ nhẫn nại để tự huấn luyện mình thời cũng sẽ được hưởng kết quả tốt lành như người đã khéo huấn luyện các con thú vật như la, ngựa và voi. Con người thuần thục, giới đức trang nghiêm là hơn tất cả:

Con la được huấn luyện qua 
Trở nên thuần tánh, tỏ ra tốt lành, 
Ngựa nòi sinh chốn sông xanh 
Sau khi huấn luyện, trở thành ngựa hay, 
Voi ngà to lớn quý thay 
Sau khi huấn luyện voi này tuyệt luân, 
Con người nếu chính bản thân 
Tự mình thuần hóa được luôn chính mình 
Mới là người thật tài tình!

 Đức Phật khuyên chúng sinh hãy từ bỏ cả tham lẫn sân. Ngài ví một chiếc thuyền như thể xác, như tấm thân con người do năm uẩn tạm hợp. Thân này sẽ tan rã vì vô thường, nên xét kỹ thời thấy nó quả thật trống không. Nước trong thuyền là những tư tưởng xấu cần diệt trừ. Tát cho khô nước tức là dập tắt ngay lửa tham sân. Khi thuyền khô cạn nước thời thuyền trở nên nhẹ nhàng để mau chóng qua bờ. Thân tâm dẹp sạch tham dục và sân hận thời trở nên thanh tịnh, đó là điều kiện tốt để sớm chứng được cảnh Niết Bàn:

Tỳ Kheo tát nước thuyền này 
Thuyền không nhẹ nhõm xuôi ngay theo dòng, 
Tham và sân trừ diệt xong 
Thân này cũng nhẹ thoát vòng nhiễm ô 
Niết Bàn mau chóng qua bờ.

 Theo Kinh “Thập Thiện Nghiệp Đạo” người nào không nổi sân, thì tâm không khổ não, tâm không tranh giành, tâm nhu hòa ngay thẳng, tâm từ bi như Phật, thường làm lợi ích yên ổn cho các chúng sinh, thân tướng trang nghiêm được chúng sinh tôn kính và vì có đức nhẫn nhục nên sẽ được mau sinh lên cõi Phạm Thiên. 

SI

 “Si” là si mê, vô minh, ngu tối. Người vô minh không sáng suốt, không suy xét hiểu biết đúng lẽ phải, đúng sự thật để phán đoán việc hay dở, tốt xấu, lợi hại v.v… nên mới làm những điều nhiễm ô tội lỗi, có hại cho mình và người. Si, vô minh theo thế tục gọi là “dại” hay “ngu”. Vô minh che lấp tâm trí, làm cho con người không còn nhìn thấy được những chất bợn nhơ đang gậm nhấm từ bên trong con người khiến các thói hư tật xấu ấy sẽ tăng dần và cuối cùng đưa con người vào con đường tội lỗi triền miên. Đức Phật dạy rằng vô minh là điều ô trược tệ hại nhất. Hãy dứt bỏ vô minh để trở thành người trong sạch

 Hai ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên bạch với Đức Phật rằng họ không thể thuyết phục được ông thầy của họ trước kia đến gặp Đức Phật và nghe giáo pháp vì vị này còn quá luyến ái tín đồ riêng. Nhân dịp này Đức Phật giải thích sự khác biệt giữa người suy luận chân chính với người suy luận sai lầm và hậu quả dĩ nhiên của mỗi lối suy luận:

Những gì không thật, hão huyền 
Lại cho là thật và tin vô bờ, 
Những gì chân thật lại ngờ 
Lại cho không thật, chỉ là giả thôi, 
Nghĩ suy lầm lạc mất rồi 
Thấy sao chân thật rạng nơi pháp mầu.

Biết đây là thật để tin 
Biết kia không thật, hão huyền mà thôi 
Nghĩ suy theo đúng đường rồi 
Thấy ngay chân thật rạng nơi pháp mầu.

 Với hai câu Pháp Cú kể trên, chúng ta đã thấy vai trò chủ yếu của vô minh và tà kiến trong các nguồn gốc phát sinh các hành vi bất thiện. Như vậy chúng ta cũng không lạ gì khi Đức Phật khuyên chúng ta không nên tu theo lối khổ hạnh khắt khe, ép xác, chỉ nhắm vào bề ngoài và không nên chuyên lo tế tự, vì những hành động này không dẫn chúng ta đến giác ngộ giải thoát, không giúp chúng ta trở nên trong sạch. Thấy một vị Tỳ kheo có nhiều đồ đạc, của cải riêng tư, lại thêm có nhiều y, Đức Phật quở rầy. Thầy giận, cởi bỏ hết áo cà sa mặc bên ngoài quăng đi, chỉ mặc chiếc áo cánh ở trong thôi. Đức Phật thuật lại câu chuyện tương tự đã xảy ra trong tiền kiếp của thầy. Ngài khuyên đi tu phải sống đạm bạc, trong tâm phải biết hổ thẹn khi làm điều quấy và biết lo sợ khi phạm tội lỗi. Muốn thanh lọc thân tâm thì cần dứt bỏ lòng hoài nghi:

Dù tu khổ hạnh triền miên 
Trần truồng, bện tóc, tro đen xoa mình 
Nhịn ăn, nằm đất, lăn sình 
Sống dơ, ngồi xổm để hành xác thân 
Nào đâu thanh tịnh được tâm 
Nếu không trừ dứt đi phần hoài nghi.

 Một thời ở Ấn Độ vẫn còn tồn tại nhiều hình thức khổ hạnh. Lớp dơ dáy bên ngoài được vài người xem là dấu hiệu của bậc thánh nhân. Đức Phật không chấp nhận hình thức khổ hạnh khắt khe chỉ nhắm vào bề ngoài như thế. Các tu sĩ theo con đường tu hành của Ngài phải đi theo một con đường ở khoảng giữa, đó là “trung đạo”. Phải tránh hai cực đoan, một là khổ hạnh và đường khác là lợi dưỡng. Giản dị, khiêm tốn, thanh đạm cùng với lối sống sạch sẽ là những đặc tính chính yếu của chư vị Tỳ kheo. Hơn nữa muốn cho tâm ta được thanh tịnh thời cần dứt bỏ đi phần hoài nghi vì nếu chưa nhiếp phục được hoài nghi tức là không có niềm tin nơi Phật, Pháp và Tăng.

 Đức Phật dạy rằng dù cho có tế thần lửa trong một thế kỷ không bằng trong giây lát tôn kính bậc chân tu hoàn toàn trong sạch, có đạo hạnh. Cháu của ngài Xá Lợi Phất, theo lời thầy của anh ta truyền dạy nên anh có thói quen mỗi tháng giết thú vật và đốt lửa rừng tế thần để cầu mong được tái sinh vào cảnh trời. Ngài Xá Lợi Phất đem cháu đến hầu Phật và Đức Phật chỉ dạy, hướng dẫn người cháu về con đường chân chính nên theo:

Trăm năm ở tại rừng sâu 
Dốc lòng thờ lửa cũng đâu sánh bằng 
Chỉ trong giây lát cúng dường 
Những người đạo hạnh một đường chân tu 
Thật là công đức vô bờ 
Hơn là thờ lửa mê mờ trăm năm.

 Đức Phật cũng dạy rằng kính lễ một vị đắc quả thánh, một bậc chánh hạnh, dù chỉ là trong giây lát cũng đem lại công đức và thập phần quý hơn là cúng dường lễ vật hoặc vật thực đến người phàm tục. Một người bạn của ngài Xá Lợi Phất hằng năm tiêu phí rất nhiều tiền để giết thú tế thần và mở hội bố thí rộng rãi. Đức Phật thuyết phục ông ta trở về lối cúng dường chân chính:

Suốt năm bố thí, cúng dường 
Để cầu phước báu chẳng bằng so ra 
Phần tư công đức của ta 
Khi ta kính lễ những nhà chân tu 
Thanh cao, chính trực vô bờ.

 Thường thời không sợ “tham” và “sân” nổi lên, mà chỉ sợ mình tự giác ngộ chậm, chỉ sợ mình si mê, vô minh mà thôi. Nếu “tham” và “sân” nổi lên, mà ta sáng suốt phán đoán kịp thời, không có si mê, thì tham sân kia cũng chẳng làm gì được. Người học Phật phải dẹp trừ lòng si mê của mình, lúc nào cũng phải sáng suốt đối với tất cả mọi việc, phải tu tâm để đạt được “vô si”. Vô si là không mờ ám, không si mê. Đối với tất cả mọi việc, lúc nào cũng có trí tuệ sáng suốt, suy xét, phán đoán việc tà chính, hay dở, phải trái v.v… Do đó, việc làm mới chính đáng, tránh khỏi những điều tai hại, vừa lợi ích cho mình và vừa lợi ích cho người, ở hiện tại cũng như ở tương lai. Giảng về quả phúc của người cúng dường đến bậc hoàn toàn thanh tịnh, Đức Phật dạy: 

Cỏ hoang làm hại ruộng vườn 
Si mê gây hại nhiều hơn cho người, 
Si mê ai đã lìa rồi 
Cúng dường vị ấy chẳng nơi nào bằng 
Hưởng về phước báu vô vàn.

 Theo Kinh “Thập Thiện Nghiệp Đạo” người không si mê, thì thành tựu được các pháp công đức sau đây: được ý vui chân thiện và bạn chân thiện; tin nhân quả, thà bỏ thân mạng chớ không làm ác; chỉ quy y Phật; tâm ngay thẳng, có chính kiến; sinh lên cõi trời, khỏi bị đọa vào ba đường ác; hưởng phúc huệ; không lòng chấp ngã, bỏ hết ác nghiệp và khỏi bị nạn dữ v.v…

TAM ĐỘC

 Trong Kinh Pháp Cú Đức Phật dạy rằng tam độc “tham, sân, si” là những nguyên nhân gây ra bất hạnh và phiền não, ưu tư cho con người. Tham, sân, si có thể được tìm thấy một cách dễ dàng nơi hành động, ngôn ngữ, và ý nghĩ của chính mình cũng như của kẻ khác. Kinh nghiệm cho ta biết bất cứ ở đâu hay lúc nào, nếu tham sân si có mặt và ngự trị thì cuộc sống riêng hay chung đều trở nên xấu xa đau khổ. Tham sân si là sản phẩm của con người và xã hội và chính chúng là nguyên nhân làm hư hại cuộc sống an lành của loài người giống như bông tre nở từ cây tre và là biểu tượng suy tàn của cây tre, nghĩa là khi tre trổ bông là lúc tre tàn lụi.

 Một số đại phú gia đã lớn tuổi rồi mới đi tu. Một bà vợ của một người trong nhóm đó nấu nướng rất khéo léo nên hằng ngày họ thường mang bình bát trở lại đây để khất thực. Bà thí chủ cúng dường thức ăn đồ uống rất ngon lành. Khi bà này chết họ thương nhớ, than khóc, kể lể. Đức Phật khuyên các thầy “Thực hành tâm không luyến ái vì khi nào còn rừng rậm tham, sân, si thời các thầy còn chịu đau khổ. Hãy đốn ngã rừng cây ấy các thầy mới được giải thoát”:

Đốn rừng nhưng chớ chặt cây, 
Đốn rừng tham ái với đầy sân si 
Chính do rừng dục vọng kia 
Mà bao sợ hãi dễ bề sinh ra 
Rừng to, rừng nhỏ quanh ta 
Cả hai rừng đó mau mà đốn đi, 
Các Tỳ Kheo hãy thoát ly 
Thoát rừng dục vọng muôn bề tối tăm.

 Hãy đốn rừng, nhưng không chặt cây thật. Khi Đức Phật vừa nói “hãy đốn rừng”, có vài vị Tỳ kheo hiểu sai, theo nghĩa trắng. Đọc ngay được tư tưởng sai lầm ấy Đức Phật nhấn mạnh thêm, dạy rõ rằng rừng đây không phải là cây thật sự mà chỉ là đám rừng của những dục vọng như tham ái, sân hận và si mê. Do rừng dục vọng mà phát sinh sợ sệt. Hãy đốn ngã cả hai thứ rừng, rừng cây to và rừng cây nhỏ của dục vọng. Ở đây, cây to là những dục vọng lớn, có nhiều mặt năng lực và cây nhỏ là những dục vọng nhỏ, ít năng lực hơn. 

 Trong khi dạy cho con người biết “Tham, Sân, Si” là nguyên nhân của cuộc sống đau khổ, cần phải tiêu diệt, Đức Phật cũng nói cho chúng ta biết còn có ba pháp nữa là “Vô tham, Vô sân, Vô si” là những yếu tố tâm lý cần nên phát triển để xây dựng cuộc sống an lành. Muốn phát triển ba pháp thiện này chúng ta phải tu dưỡng theo chánh đạo gồm “Giới, Định và Tuệ”.

 Lời khuyên thời thật dễ dàng, nhưng loài người đâu có dễ dàng phục thiện. Vì con người, đã lâu đời lâu kiếp bị những phiền não căn bản nhiếp phục chi phối. Một lần nọ Đức Phật thuyết Pháp cho năm người nghe, chỉ có một người chăm chú nghe, còn những người kia thì lơ đễnh, không để ý đến lời khuyên dạy của Ngài. Một người ngủ gục, một người lấy ngón tay vẽ xuống đất, một người ngồi gần gốc cây lắc nhẹ cành lá, một người ngẩng nhìn trời xanh. Đức Phật giảng rằng sở dĩ như vậy là do những khuynh hướng, các thói quen của họ đã có từ nhiều kiếp trong quá khứ. Khi Đại đức A Nan bạch hỏi rõ lý do, Đức Phật giải thích thêm rằng đó là do bốn nguồn cội “tham, sân, si, và ái dục”:

Lửa nào có thể sánh ngang 
Lửa tham dục nọ dữ dằn vô biên, 
Không còn cố chấp nào bền 
Bằng tâm sân hận nổi lên cấp kỳ, 
Lưới nào trói buộc dầm dề 
So ra với lưới ngu si buộc ràng, 
Sông nào chìm đắm cho bằng 
Dòng sông ái dục cuốn phăng bao người. 

 Có hai vị Tỳ kheo. Một, thông suốt giáo pháp nhưng còn là phàm tăng, không thực hành những điều đã học. Vị kia, tuy không học nhiều nhưng thực hành trọn vẹn giáo pháp, từ bỏ tham, sân, si, nên đã đắc quả A La Hán, chứng ngộ Niết Bàn, thọ hưởng quả vị của đời sống thiêng liêng đạo hạnh. Một hôm vị phàm tăng muốn gây rối cho vị thánh tăng trước mặt Đức Phật nên đặt ra nhiều câu hỏi gút mắc. Biết rõ ý định thấp hèn ấy, Đức Phật nêu ra vài câu hỏi có liên quan đến sự chứng ngộ giáo pháp. Theo kinh nghiệm bản thân, vị A La Hán trả lời được tất cả nhưng vị phàm tăng thì không, vì không thành tựu được thánh đạo nào. Nhân dịp này, Đức Phật ca ngợi vị A La Hán đã thực hành giáo huấn của Ngài, mặc dầu không thông suốt giáo pháp bằng vị phàm tăng:

Dù cho chỉ tụng ít kinh 
Nhưng theo giáo pháp thực hành sớm khuya 
Hết tham, hết cả sân, si 
Lòng luôn tỉnh giác, tâm thì hiền lương 
Trước sau giải thoát mọi đường 
Tu hành lợi ích ngát hương muôn đời.

 Theo Phật Giáo, pháp học sẽ không bổ ích nếu không thật sự thực hành điều đã học. Như vậy, Phật Giáo không phải là một triết học suông mà là con đường giác ngộ duy nhất.

 Một thiếu phụ trẻ đẹp được người cha dẫn đến giới thiệu để làm vợ Đức Phật vì người cha trông thấy tướng mạo trang nghiêm của Ngài. Nhưng Đức Phật từ chối. Ngài cho biết trước đây khi Ngài sắp thành Đạo dưới cội bồ đề Ma Vương từng cho ba người con gái tuyệt đẹp cố gắng lấy nhan sắc đến nơi để quyến rũ Ngài, nhưng tất cả đều thất bại. Ba người con gái đó là các nàng Tham ái, Ác cảm và Dục vọng. Giờ đây không ai có thể dùng bất cứ hình thức nào để dụ dỗ Ngài sa đọa được. Vì Ngài đã tận diệt mọi dục vọng, không còn dấu vết gì của tham, sân, si nữa. Cuộc chiến thắng tinh thần của Ngài không thể bị lay chuyển:

Chẳng ai hơn nổi con người 
Đã từng thắng phục được nơi dục tình 
Người như vậy chính thân mình 
Ở đời không sợ dục tình dõi theo 
Mênh mông Phật giới cao siêu 
Tham, sân, si dấu tích đều còn đâu 
Các ngươi cám dỗ dễ nào.

Lưới mê được giải tỏa rồi 
Dục tình kia khó tìm người dõi theo 
Mênh mông Phật giới cao siêu 
Tham, sân, si dấu tích đều còn đâu 
Các ngươi cám dỗ dễ nào!

 Việc thực hiện con đường đi ra khỏi “tham, sân, si” luôn luôn được Đức Phật quan tâm và khuyến khích các đệ tử của Ngài hành trì để từ đó các pháp an lạc được tăng trưởng và các pháp khổ đau được diệt trừ. Nếu không khéo hành trì thì không những các khổ đau tăng trưởng mà các thiện pháp cũng bị tiêu trừ. Nếu ai ráng tu tập và trau dồi tâm trí để thoát khỏi vòng phiền não “tham, sân, si” tất nhiên người ấy sẽ được hoàn toàn giải thoát. 

Bagikan

Jangan lewatkan

TAM ĐỘC: THAM, SÂN, SI
4/ 5
Oleh

Subscribe via email

Suka dengan artikel di atas? Tambahkan email Anda untuk berlangganan.