1. Bản ngã là gì ? Vô ngã là gì ? Tại sao đức Phật dạy đích đến của con người là Vô ngã.
Trước tiên, Bản ngã là sống với cái tôi của mình. Phát triển cái tôi đó lớn lên, nhằm tạo ra sự khẳng định mình, khẳng định cái tôi của mình. Triết lý nhà phật cho rằng, một khi cái tôi đó càng lớn lên, con người càng gây là nhiều nghiệp chướng, sai lầm. Thoạt nghe qua, có thể triết lý này rất khó nghe. Tại sao khẳng định cái tôi của mình lại là nghiệp chướng ? Khẳng định cái tôi của mình không phải là một cách để phát triển con người và xã hội hay sao ? Thiếu đi cái tôi, liệu con người có động lực để phát triển không, hay cứ chỉ “bình bình” như mọi người trong xã hội mà thôi?
Thực ra, giáo lý đạo phật hoàn toàn không đồng nhất việc thiếu đi cái tôi- bản ngã với việc cố gắng tự hoàn thiện bản thân mình. Chúng ta vẫn cần cố gắng, cần phát huy hết khả năng của mình cho công việc, cho sự phát triển của nhân loại. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần quên đi phần tôi trong con người mình, từ đó hòa nhập với cộng đồng, với thiên nhiên. Sống Vô ngã để không còn thấy mình là quan trọng, để bao dung hơn và thanh thản hơn.
Ví dụ như có người đang làm nghiên cứu sinh, điều đó là rất tốt. Anh ta cần phải cố gắng hơn trong học tập, nghiên cứu, từ đó bước đầu đưa ra những vẫn đề mới, giải quyết nó và đưa ra sản phẩm giúp ích cho xã hội. Tuy nhiên, nếu làm nghiên cứu để vì cái tôi của mình, để khẳng định mình ở một đẳng cấp khác, hay để khẳng định cái danh của mình là một tiến sĩ, thì đó chính là đã đẩy cái tôi trong con người mình lên quá cao. Nghiệp chướng sẽ đến khi mục đích của anh chỉ là cái danh, cái tôi lúc này sẽ chính là cái danh của tấm bằng. Đó là lý do mà vì sao chúng ta có những chuyện mua bán bằng cấp, bằng giả. Nghiệp chướng đó chính là như vậy.
2. Vô ngã với bố tôi
Trong mắt bố mẹ, con cái bao giờ cũng là non nớt và thiếu kinh nghiệm sống. Thực tế thì đúng là như vậy.
Phàm con người ta, mỗi khi thành công chuyện gì, phần tôi trong con người mình trỗi dây, khi đó họ cảm thấy rất hạnh phúc, rất sung sướng. Tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng bố tôi thì lại luôn bình tĩnh trong tất cả những việc như vậy. Ông luôn cẩn trọng, và chỉ nhắc tôi bình tĩnh, sự thành bại ở đời này rất mong manh.
Tôi biết không phải bố tôi không mừng khi con cái thanh đạt, nhưng ông hiểu, hơn ai hết, mọi sự thành công nào cũng có cái giá của nó, và đằng sau đó sẽ là những lúc thất bại. Quá hạnh phúc và tự đề cao mình khi thành công, điều gì sẽ xảy ra khi thất bại đến sau đó, liệu có thể chấp nhận để vượt qua? Vô ngã với bố tôi là như vậy, luôn động viên con cái cố gắng, đứng sau hỗ trợ những mỗi khi cần thiết, nhưng lại luôn nhắc nhở phải hạn chế cái tôi của mình.
Khi tôi đỗ đại học, bố tôi không hề liên hoan hay ăn mừng. Bởi ông biết, thi đỗ là vậy, nhưng để ra được trường còn là cả một quá trình gian nan phía trước. Hơn thế nữa, thi đỗ thì cũng mừng, nhưng cũng chỉ như biết bao người khác thôi. Đó là cái cách mà ông truyền đạt về Vô ngã cho tôi. Cho tận bây giờ, dù đi học xa nhà, thỉnh thoảng mỗi khi tôi gặp chuyện thất bại, ông vẫn bảo tôi rằng “con phải có Đức Tin”. Đức tin để vượt qua khó khăn khổ ải, đức tin để bỏ qua bản ngã cá nhân, đức tin để hướng tới vô ngã, không coi mình là quan trọng, để hoàn thiện bản thân và luôn giữ bình an trong tâm trí.
3. Làm sao để đến được với Vô ngã ?
Đây là câu hỏi được đặt ra với nhiều người. Tuy nhiên câu trả lời rất đơn giản, bạn chỉ cần trả lời một câu hỏi “Liệu bạn đã thực sự muốn hướng tới Vô ngã hay chưa ?”
Bagikan
Triết lý sống - Bản ngã và vô ngã!
4/
5
Oleh
nguyentrichau