Có thể nói được rằng Nho giáo là một đạo giáo có nhiều bộ mặt nhất. Trong suốt 2500 năm nay, Nho giáo đã được khai thác về mọi lãnh vực như: luân lý, tín ngưỡng, chính trị, gia đình, xã hội, từ chương, khóa cử, thuật số, tu dưỡng, đạo đức v.v…
Cũng vì thế mà xưa nay, có rất nhiều nhận định khác nhau về Nho giáo. Người thì cho rằng Nho giáo là một đạo nhập thế, dấn thân; người thì cho rằng Nho giáo thiên về chính trị; người thì cho rằng Nho giáo chỉ chú trọng đến luân lý, cương thường. Cũng có người chủ trương Nho giáo chỉ biết dạy con người nhân đạo, nghĩa là chỉ biết dạy con người ăn ở xứng đáng với danh nghĩa con người, chứ không dạy con người làm thần, thánh.
Những người theo Tam giáo ở Trung Hoa cũng như ở Việt Nam thường chủ trương:
Nho là Nhân đạo
Lão là Tiên đạo
Thích là Phật đạo.
Và như vậy, dĩ nhiên là:
Đạo Nho kém nhất
Đạo Lão được xếp hạng trung bình
Đạo Phật mới là đệ nhất hạng.
Quan niệm này thấy rải rác trong nhiều sách vở bàn về Tam giáo. Dưới đây chỉ xin đan cử một trường hợp điển hình. Thiền sư Tông Bổn, chùa Diên Khánh, đời nhà Tống bên Tầu, tác giả bộ sách Qui nguyên trực chỉ đã nhận định như sau:
Theo Vô Tận cư sĩ: thì đạo Nho trị bệnh ngoài da, đạo Tiên trị bệnh trong huyết mạch, đạo Phật trị bệnh trong mỡ xương …
Theo hoàng đế Hiếu Tôn thì: lấy đạo Phật để trị tâm, lấy đạo Tiên để trị thân, lấy đạo Nho để trị đời …
Người học Nho chết rồi thì hết, chẳng qua khoảng 100 năm thôi. Người học Đạo vụ cầu sống mãi, chẳng qua ngàn muôn năm mà thôi. Người học Phật, dứt mãi mãi với sự sống chết, trong trẻo hoài, chẳng qua trải khắp các số kiếp nhiều như bụi cát, mà không có cùng tận vậy .
Nho như một cái thếp đèn, soi sáng một đêm, khi chuông ngân hồ cạn, thời dầu khô đèn tắt vậy. Đạo Tiên như ngọn đèn trăm năm của vua A Xà Thế làm ra, để soi xá lợi của Phật, khi trăm năm đã mãn, thì đèn đó bèn tắt vậy. Phật như mặt trời sáng rỡ chiếu diệu, muôn đời thường sáng, hễ lặn phía Tây thì mọc phía Đông, xây vòng không nghỉ vậy. Đó là lời luận xa gần, của Tam giáo, nó đại lược về cái ý lớn của Tam giáo …
Đọc những lời nhận định trên của sách Qui nguyên trực chỉ, ta thấy ngay rằng chúng thiếu vô tư, thiếu căn cứ, và có mục đích tuyên truyền cho Phật giáo rõ ràng. Theo tôi, một thái dộ thiên vị không thể giúp ta nhận thức được rõ ràng những ưu khuyết điểm của các đạo giáo.
Sau nhiều năm khảo cứu đạo Nho, tôi đã nhận chân được rằng: nếu xưa nay người ta có những quan niệm sai lầm về Nho giáo, thì cũng không lạ. Trước hết, muốn hiểu Nho giáo thực ra không phải là chuyện dễ. Đọc và hiểu được toàn bộ Tứ thư, Ngũ kinh, không phải là một công trình vài tháng, vài năm; ấy là chưa kể đến bách gia chư tử. Sau nữa một người dầu giỏi chữ Hán mấy đi nữa, dẫu đọc sách Nho nhiều tháng, nhiều năm mấy đi nữa, nếu người đó chỉ chú trọng đến văn chương, nếu người đó chỉ dùng đạo Nho như là một công cụ để bước vào con đường công danh, hoạn lộ, thì người đó chắc chắn sẽ chẳng nắm được phần nghĩa lý, phần căn cốt chính truyền của Nho giáo.
Khi còn ở Trung Việt, tôi có quen một cụ phó bảng. Một hôm tôi muốn cùng cụ bàn về nghĩa lý kinh Dịch. Cụ tâm sự với tôi rằng quả thực, cụ chỉ giỏi về văn chương, thi phú, còn nghĩa lý cao xa thì không biết, nhất là nghĩa lý Kinh Dịch. Đó là vì, khi còn trẻ đi học, thì lo học thuộc lòng, để đi thi. Vả hồi đó, trong chương trình thi lại không có Kinh Dịch. Đến khi thi đỗ, ra làm quan, thì xếp dần sách vở, lo làm, lo ăn, lo chơi. Khi về già thì học địa lý để mua vui. Có vậy thôi. – Những lời tâm sự của cụ phó bảng nói trên làm tôi hết sức suy tư. Mới hay giỏi chữ Nho không phải là giỏi đạo lý, cũng như giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh không phải là giỏi triết lý, đạo đức …
Hôm nay với đề tài: Quan niệm về tu thân theo Nho giáo», tôi muốn biện minh rằng Nho giáo không hề có thiếu phần tu tâm dưỡng tính, và thánh hiền Nho giáo, ngoài việc lo đắp xây hòa bình, thái thịnh cho đời, còn cố công tu luyện tâm tình đúng với tôn chỉ: «Nội thánh, ngoại vương chi đạo».
Trong bài thuyết trình này, tôi không nhất thiết dựa vào Tứ Thư, Ngũ Kinh, mà cũng còn tham khảo thêm đời sống và quan niệm về tu dưỡng của các bậc danh nho lịch đại. Làm như vậy, cốt là để cống hiến quí vị một cái nhìn nhất quán về Nho giáo, cũng như về công phu tu thân của Nho giáo.
Trong bài thuyết trình này, tôi sẽ lần lượt trình bày:
1. Chủ trương then chốt của Nho giáo.
2. Quan niệm về tu thân theo Nho giáo gồm ba đề mục:
- Lý do tu thân
- Phương pháp tu thân
- Mục đích tu thân
I. CHỦ TRƯƠNG THEN CHỐT CỦA NHO GIÁO
Nho giáo nói chung, công trình tu thân nói riêng, cũng như mọi vấn đề chính trị, xã hội khác đều dựa trên một chủ trương căn bản này; đó là:
CON NGƯỜI CÓ THIÊN TÍNH
Thiên tính ấy được gọi là Đạo tâm hay theo Kinh Thư (Kinh Thư, Đại lương huệ, 5),
- Thiên mệnh, hay Tính theo Trung Dung (Trung Dung chương 1)
- Minh đức theo Đại Học (Đại Học chương 1)
- Di, Tắc theo Kinh Thi (Kinh Thi, Đại Nhã, Đãng, Chung Dân, 6)
Từ ngữ tuy khác nhau, nhưng chung qui đều nói lên một chân lý cốt cán rằng dưới những hiện tượng tâm tư, còn có bản thể Trời làm căn cốt.
- Vì bản tính người là Trời, cho nên Nho giáo mới dám nói rằng: Tính con người vốn tốt (Luận Ngữ, V, 12, XVII, 2. Mạnh Tử, Đặng Văn Công, chương cú thượng 1,2; Mạnh Tử, Cáo Tử chương cú thượng v.v…).
- Bản tính Trời ấy là gốc, mọi việc khác như tâm tư, thân xác, gia đình, quốc gia, xã hội, thiên hạ sự v.v… là thân, là cành, là ngọn. Không biết được gốc làm sao mà trị được ngọn, không hiểu được Trời, làm sao hiểu nỗi được người. (Tư tri nhân, bất khả dĩ bất tri Thiên. – Trung Dung, XX).
Trung Dung viết:
Biết Người, trước phải biết Trời,
Hiểu Trời chẳng nổi hiểu Người làm sao?
(Tư tri nhân bất khả dĩ bất tri Thiên. – Trung Dung XX)
- Cho nên người quân tử phải cố gắng học hỏi, mài miệt suy tư để tìm cho ra cái khuôn thời, cái gốc trời nơi mình, rồi ra mới có thể «chính tâm, thành ý, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ» được.
- Vì con người đã có Thiên chân, đã có sẵn mầm mộng toàn thiện nơi mình, cho nên con người có bổn phận làm triển dương mầm mộng toàn thiện ấy cho tới mức tinh vi, cao đại.
- Mọi người sinh ra ở đời này đều có bổn phận nỗ lực tiến tới mục phiêu cao cả ấy, và phải góp phần vào công cuộc đại hóa, đại tạo ấy của đất trời.
Tất cả chủ trương trên đã được trình bày ngay nơi đầu sách Đại Học. Đại Học viết:
Đại Học có mục phiêu rõ rệt
Đuốc lương tâm cương quyết phát huy.
Dạy dân lối sống tân kỳ,
Chưa nơi hoàn thiện còn đi chưa ngừng.
Có mục phiêu rồi lòng sẽ định,
Lòng định rồi nhẹ gánh lo toan.
Hết lo lòng sẽ bình an,
Bình an tâm trí rộng đàng xét suy.
Suy xét rộng tinh vi thấu trọn,
Thấu sự đời ngành ngọn đầu đuôi.
Trước sau đã rõ khúc nhôi,
Thế là gần Đạo, gần Trời còn chi.
Muốn đức sáng truyền đi thiên hạ,
Người xưa lo cải hóa dân mình.
Trị dân, trước trị gia đình,
Gia đình muốn trị, sửa mình trước tiên.
Muốn sử mình, tâm nên sửa trước,
Sửa tâm hồn trước cốt ý hay.
Ý hay phải học cho dày,
Dày công học vấn sẽ hay Khuôn Trời.
Hay Khuôn Trời, ắt thôi thấu triệt,
Thấu triệt rồi, ý thiệt lòng ngay.
Lòng ngay ta sẽ hóa hay,
Ta hay, gia đạo mỗi ngày một yên.
Nhà đã yên, nước liền thịnh trị,
Nước trị bình, bốn bể bình an.
Từ vua cho tới dân gian,
Tu thân một mực lấy làm căn cơ … (Đại Học, I)
II. QUAN NIỆM VỀ TU THÂN THEO NHO GIÁO
Trong phần này tôi sẽ lần lượt bàn về:
a. Lý do tu thân theo Nho giáo.
b. Phương pháp tu thân theo Nho giáo.
c. Mục đích tu thân theo Nho giáo.
A. LÝ DO TU THÂN THEO NHO GIÁO
Hiểu được chủ trương nòng cốt nói trên của Nho giáo, ta sẽ hiểu tại sao con người cần phải tu thân.
Tu thân là gì? Tu thân là sửa mình.
Sửa mình là gì? Là sửa tâm hồn cho nên tốt đẹp.
Tại sao phải sửa tâm hồn cho nên tốt đẹp?
Thưa vì trong mỗi người chúng ta đều đã có thiên tính, cho nên đều đã có lẽ chí thiện, chí mỹ của trời đất tiềm ẩn bên trong, vì thế nên con người cần phải tu thân để thực hiện lẽ chí mỹ chí thiện ấy.
Đổng Trọng Thư, một danh nho đời Hán, đã cho rằng: Tính như con kén, như cái trứng. Trứng đợi ấp rồi mới thành tơ, tính đợi dạy rồi mới thiện, thế gọi là Chân Thiện. Trời sinh ra dân, cho cái tính có thiện chất mà chưa có thể thiện, rồi vì dân là lập ra vua để làm cho thiện, ấy là ý Trời vậy … [5].
Thế tức là, khi sinh ra, con người mới chỉ có khả năng để trở nên hoàn thiện, chứ chưa phải đã là toàn thiện. Con người còn cần phải dùng thời gian, hoàn cảnh, cần tốn công phu tu luyện, rồi ra mới trở nên toàn thiện được. Cho nên SINH chưa đủ, còn cần phải THÀNH nữa mới được vẹn toàn.
Hiểu nhẽ đó, nên khi bình về các số SINH, số THÀNH trong Hà Đồ, tôi đã làm mấy vần thơ sau:
Sinh, thành dùng số nói lên,
Lẽ trời sau trước nói liền huyễn linh.
Âm dương khi đã phân trình,
Nếu không kết cấu sao thành hóa cơ?
Âm Dương nếu những hững hờ,
Trời người xa cách bao giờ có hay.
Lẽ trời cảm ứng xưa nay,
Muôn phương hòa hợp phơi bày tinh anh.
Có SINH nhưng cũng có THÀNH,
Không tu hồ dễ Trời dành phẩm tiên.
Mới sinh, như gốm chưa men,
Như vàng chưa luyện, như duyên chưa thành.
Cho nên phải tập, phải tành,
Phải chau, phải chuốt, tinh anh mới toàn …
Đã sinh ra ở trần hoàn,
Phải dùng thời thế Trời ban cho mình.
Lao lung rồi mới hiển vinh,
Chớ đừng để mặc thế tình đẩy đưa …
(Xem Hà Đồ của tác giả, phần tổng luận)
B. PHƯƠNG PHÁP TU THÂN
a. Lập chí
Trước hết muốn TU THÂN, cần phải lập chí.
Theo Nho gia chân chính, lập chí là thực tâm ước nguyện, lo dốc chí học hành, tu tập để trờ thành
THÁNH, HIỀN.
THÁNH, HIỀN.
Học để mà biết phương pháp tu luyện.
Hành để mà chỉnh trang tâm hồn, cải thiện tâm hồn. Nhiều bậc đại nho, sau khi đã đỗ đạt cao, đã bỏ hẳn cái lối học để cầu danh, tranh lợi, mà theo đòi cái lối học để tìm cầu đạo lý, trở thành thánh hiền.
Chu Hi (1130-1200), một danh nho đời Tống, đỗ tiến sĩ năm 18 tuổi, ra làm quan được ít lâu, bỏ về. Năm 28 tuổi, nghe tiếng Lý Đồng, một danh nho thụ đắc được đạo lý chính truyền Nho giáo, ông bèn đi bộ mấy trăm cây số, đến xin thụ giáo, và ông đã theo học Lý Đồng trong vòng 5 năm, cho tới khi Lý Đồng mãn phần.
Ông viết: «Người đời nay, tham lợi lộc, mà không tham đạo lý, muốn làm người quí mà không muốn làm người tốt, đó là cái bệnh ở sự không lập chí.»
Lục Tượng Sơn (1139-1192), một danh nho khác đời Tống cũng cho rằng: Chỉ trừ những bậc có thiên tư đĩnh ngộ, thấy rõ đạo lý, mới quyết chí về đường tu dưỡng, còn ngoại giả là chỉ dua theo thói đời, mượn tiếng thánh hiền, để đi tới đường lợi lộc. Bởi vậy cái danh thì có, cái thực thì không … [7].
Gương lập chí sáng tỏ nhất để thành thánh hiền, ta thấy được nơi VƯƠNG DƯƠNG MINH (1472-1528), một danh Nho thời Minh.
Vương Dương Minh thuở nhỏ thông minh lạ thường, ở nhà nghe tổ phụ là Trúc Hiên Công đọc sách, nghe đến đâu nhớ đến đấy. Năm 11 tuổi đi học, một hôm ông hỏi thày học rằng: «Ở đời việc gì là hơn cả?», Thày nói rằng: «Chỉ có học rồi thi đỗ là hơn cả.» Ông không chịu, và nói rằng: «Chỉ có học để làm thánh hiền là hơn.»[8] Và từ đấy cho đến lớn, ông tha thiết suy tư, học hành, tầm sư học đạo. Năm 17 tuổi, ông đến Giang Tây, cưới vợ là con gái quan tham nghị Chu Dưỡng Hòa.
Ngay hôm sắp làm lễ hợp cẩn, ông đi chơi đến Thiết Trụ cung, thấy một đạo sĩ đang ngồi tu luyện, ông vào nghe nói về thuyết trường sinh, rồi ngồi đối thoại với đạo sĩ ấy suốt đêm, quên cả việc đi cưới vợ.
Năm 28 tuổi, ông đỗ tiến sĩ, rồi ra làm quan, nhưng mà vẫn vơ vẫn muốn xuất gia. Ông chê lối học từ chương của các bè bạn đương thời. Ông học Phật, học Lão, học Nho để cố tìm cho ra con đường tiến tới thánh hiền. Tuy tốn nhiều công phu, mà vẫn chưa toại nguyện. Mãi tới năm 34 tuổi, khi bị triều đình đày ra Long Trường một nơi hoang vu, man mọi, một hôm nửa đêm ông mới chợt tỉnh ngộ ra cái nghĩa «Cách vật trí tri» của Đại Học, và nhận chân được rõ ràng rằng Đạo chẳng ngoài tâm, và Lương tri tức là Đạo, tức là Trời. Từ đấy ông mới sáng lập ra được một học thuyết riêng biệt và chủ trương: Trí Lương Tri, để đưa người vào đường Thánh học. Ta thấy một người như Vương Dương Minh mà cũng phải tốn nhiều năm tháng, nhiều công phu mới trở thành thánh hiền. Từ năm 11 tuổi đã dốc chí học hành để trở thành thánh hiền, mà mãi tới năm 34, khi bị lao lung đày ải, xa cách hẳn thế giới văn minh, xa cách hẳn với từ chương, sách vở, ông mới tìm thấy được ánh sáng Trời chiếu rõ ở Tâm Linh … .
b. Học hỏi, suy tư
Sau khi đã lập nguyện, lập chí, nhất định dùng cuộc đời mình để tu luyện trở thành thánh hiền, các bậc danh nho mới ra công học hỏi suy tư.
Mà học hỏi, suy tư này, không còn là cái học để thêm kiến văn, kiến thức nữa, mà chính là để tìm lại Thiên Tâm, Thiên Tính, Bản Tâm, Bản Tính của mình.
Khảo về phép học của Nho giáo, ta thấy có hai đường lối:
- Một là tìm lẽ nhất quán ở ngoài tâm.
- Hai là tìm lẽ nhất quán ở trong tâm.
Tìm lẽ nhất quán ở ngoài tâm là cái học chi ly, phiền tạp. Học theo lối đó, sẽ hướng ngoại, sẽ lệ thuộc hoàn cảnh, sách vở, sẽ thích nghị luận biện bác. Đó là cái học «cầu lấy biết để mà nói».
Tìm lẽ nhất quán ở trong tâm là cái học giản dị, nhưng bao quát. Nó cốt ở sự đơn giản, phác thực, tự chứng, tự nghiệm, tự đắc. Mục đích của cái học này là «cầu lấy biết để mà hành, mà tu cho tâm thần ngày thêm linh sảng».
Hai đường lối học hỏi trên tuy cao thấp khác nhau, nhưng thực ra bổ khuyết lẫn cho nhau. Và thường thì ai cũng phải đọc sách trước rồi sau mới «quán tâm» được.
Tóm lại học hỏi cốt là để «cùng lý, trí tri».
Trình tử bàn về vấn đề học hỏi suy tư để tìm cầu cho ta nghĩa lý như sau:
«Cùng lý cũng có nhiều cách: hoặc đọc sách để giảng minh nghĩa lý, hoặc nghị luận nhân vật xưa nay để biện biệt điều phải trái, hoặc ứng tiếp sự vật mà thuận lẽ đương nhiên.
Trình Tử còn cho rằng: «Không suy nghĩa chín chắn không thể đến được cõi đạo lý», «không suy nghĩa chín chắn mà đắc đạo, thì sự đắc đạo ấy cũng dễ mất.» và «tự lâu ngày, sự minh duệ tự nhiên sinh ra.
Ông cũng hiểu rằng điều sở đắc của người học đạo phần như do ở trực giáo hơn ở sách vở và thầy bạn. cho nên ông thường nói: «Đại phàm học vấn, do sự nghe biết, đều không thể gọi là tự đắc. Muốn tự đắc phải mặc thức, tâm không… Nghe thấy mà biết, không phải là sự hiểu biết của đức tính. Sự hiểu biết của đức tính không mượn ở kiến văn.
Nói thế tức là «học đạo cũng phải tuần tự trước sau, có gần có xa, có thấp, có cao, có dễ có khó, không thể nhất đán đã lĩnh hộ được đạo thể. Người mới bắt đầu học đạo mà muốn «mặc thức tâm thông» ngay cũng chẳng khác gì kẻ muốn đứng trên đỉnh núi, nhưng không muốn leo núi, muốn ở bên kia sông mà chẳng vượt sông: chỉ là những chuyện hão huyền, không thể nào thực hiện được.
Trên đây, nó rằng học hỏi suy tư để tìm cho ra lẽ nhất quán của trời đất, để «cùng lý, tận tính». Thay vì dùng những danh từ văn chương, hoa dạng ấy, ta sẽ nói nôm na như sau:
Người xưa học hỏi để tìm cho ra lẽ Một chi phối hoàn võ.
Ở vũ trụ bên ngoài, thì lẽ Một, hay Trời sinh xuất ra vạn tượng, vạn hữu.
Ở vũ trụ bên trong tâm thần ta, thì lẽ Một hay Trời sinh xuất ra vạn tình, vạn niệm.
Cho nên tìm ra được lẽ Một ấy nơi tâm, tức là tìm ra được phần Linh Thiêng nhất của tâm thần chúng ta.
Cái phần Linh Thiêng nhất ấy, Nho gia xưa gọi là Tính, là Mệnh, là Minh đức, là Trung, là Đạo, là Thiên lý v.v…
Nhưng nói cho nôm na hơn cho cụ thể hơn, thì cái phần Linh Thiêng ấy chính là LƯƠNG TÂM của mỗi một người chúng ta.
Tôi nhận định rằng: nếu chúng ta cứ dùng những chữ Thiên tính, Thiên lý, Minh đức, ta sẽ thấy phần Linh Thiêng ấy trở nên xa vời với chúng ta, và rất khó chứng nghiệm được, y thức như khi ta dùng những danh từ Chân Như, Phật tính, hay Bản Lai diện mục của đạo Phật. Cho nên từ lâu, để giản dị hóa vấn đề tôi đã chủ trương như Vương Dương Minh:
Học là để tìm lại được Lương Tâm.
Tu là Để sống theo đúng lương tâm.
Vương Dương Minh cho rằng Lương tâm hay Lương tri cũng chính là Đạo, là Trời. Ông viết: «Cái bản thể của tâm là thiên lý: cái chiêu sinh minh linh giáo của thiên lý gọi là lương tri.
«Tâm tức là Đạo, Đạo tức là Trời, biết tâm thì biết Đạo, biết Trời.
Ông còn nói: Thiên thánh giai quá ảnh,
Lương tri mới thực chính thầy ta.
Ông cũng còn làm bài thơ sau:
Lương tri tựu thị độc tri thì
Thử tri chi ngoại cánh vô tri.
Nhân nhân đô hữu lương tri tại,
Tri đắc lương tri khước thị thùy [15].
Tạm dịch:
Lương tri mà biết, biết riêng ai,
Biết được lương tri, khỏi biết ngoài.
Ai mà chẳng có lương tri sẵn,
Biết được lương tri hỏi mấy người?
Tìm ra được Lương Tâm, Lương tri rồi, chúng ta sẽ nhận thấy rõ ràng rằng: ở nơi mỗi con người chúng ta, ai cũng có hai phần tách biệt sau đây:
- Lương tâm
- Tư tâm.
Và chúng ta sẽ suy ra được một cách rất dễ dàng rằng:
- Tư tâm mỗi một người chúng ta hết sức khác nhau; tư tâm người da vàng khác tư tâm người da đen, da trắng, da đỏ, tư tâm người nay khác tư tâm người xưa.
Nhưng lương tâm chúng ta đều giống nhau; lương tâm da vàng, da trắng, da đen, da đỏ là một, lương tâm người xưa người nay là một.
Tư tâm ta và tư tâm Phật Thánh khác nhau.
Nhưng Lương tâm ta và lương tâm Phật Thánh xưa nay là một.
Như vậy, chúng ta khác Thánh, Hiền, Tiên, Phật ở điểm nào?
Thưa chính là ở điểm này:
- Tư tâm và lương tâm Phật Thánh hoàn toàn giống nhau. Ở nơi các ngài, tư tâm đã hoàn toàn biến thành Lương Tâm.
- Còn ở nơi chúng ta, thì tư tâm và lương tâm khác nhau như ngày với đêm, như nóng với lạnh, như nước với lửa. Ở nơi chúng ta thì tư tâm và lương tâm thường cãi vã nhau, chống đối nhau, y như ông thì nói gà mà bà thì nói vịt, y như trống thì đánh xuôi mà kèn thì thổi ngược vậy.
Như vậy, ở nơi phàm phu tục tử thì lương tâm đã bị tư tâm làm khuất lấp, y như một bầu trời vân vũ dày đặc làm che mất ánh dương quang. Họ y như là những người đã ký giấy cho Lương tâm nghỉ dài hạn, để tha hồ tác yêu, tác quái. Tư tâm họ có thể ví được với những máy vô tuyến truyền hình đã hỏng hết bóng đèn, không còn bắt được những tiếng nói, và những hình ảnh, từ trung tâm truyền hình Lương tâm phát đi. Họ là những người chẳng nhiều thì ít đã đánh mất đi lương tâm, đã táng tận lương tâm…
- Triết nhân là những con người trông thấy rõ hai phần tách biệt trong người:
- Một bên là Lương tâm, là Bản thể con người, là khuôn vàng, thước ngọc hoàn thiện, Trời ban cho con người.
- Một bên là Tư tâm còn đầy ác hôn, khiếm khuyết, cần phải được khai quang, và cải thiện.
- Thánh hiền đắc đạo là những người tư tâm chẳng còn, niềm tây đã hết, chỉ còn thuần có Lương tâm, thuần có Thiên Lý hoạt động bên trong.
Cho nên trong chương trình cần học của Nho gia, cái điều quan trọng nhất là tìm lại Lương tâm cho mình và cho người.
Mạnh Tử viết: «Nhân là lương tâm của người, nghĩa là con đường chính đại của người. Những ai bỏ con đường chính đại của mình mà chẳng theo, những kẻ để thất lạc lương tâm của mình mà chẳng biết tầm nó lại, thật đáng thương hại thay! Mỗi khi con gà, con chó của họ chạy lạc, thì họ biết đi kiếm mà đem về. nhưng tới chừng cái lương tâm của họ thất lạc, thì họ chẳng biết cách tầm nó trở lại! Người học vấn đạo lý chỉ có cái mục đích này mà thôi là tầm lại cái lương tâm thất lạc của mình.» (Mạnh tử, Cáo tử chương cú thượng, câu II).
Hồ Hoằng (? – 1163) một danh nho thời Tống cũng nói: «Đạo sẵn trong tâm người ta, suy ra rất tốt lành. Nhưng khốn nạn vì tâm bị phóng mà chẳng biết cầu lại mà thôi: Tai nghe mắt thấy làm che lấp được mình; cha con vợ chồng làm lụy được mình; y cầu ẩm thực làm suy mê được mình. Đã mất bản tâm của mình rồi, còn dám nói rằng ta có biết, đau đớn thiệt.
Vương Dương Minh chủ trương đại khái như sau:
Sao thắc mắc, lo suốt ngày suốt buổi.
Sao học hành, bàn cãi mãi làm chi?
Bao nghi nan, mâu thuẫn của vấn đề,
Dùng trực giác, sẽ phá tan trong chốc lát.
Lòng người có chỉ nan từ sơ phát,
Trong lòng người, đã sẵn đấng muôn trùng.
Có mọi sự trong kho báu đầy lòng,
Sao ta vẫn ăn xin từng cửa ngõ ?
c. Cư kính:
Kính sợ Trời như thể Trời có ẩn áo giáng lâm.
Khi đã tìm ra được Bản tâm, Bản tính, đã trực diện được với lương tâm đã hiểu được rằng Lương Tâm là Đạo, là Trời, lúc ấy người quân tử sẽ trở nên trang kính.
Sự trang kính ấy tùy từng giai đoạn sẽ có thể là:
- Kính sợ Trời như thể có Trời ẩn áo giáng lâm.
- Kính sợ Trời tiềm ẩn đáy lòng.
- Tự trọng vì nhận ra nơi mình cũng có bản thể thân minh y thức như nơi các bậc thánh hiền kim cổ.
- Trọng người, vì nhận ra được rằng người cũng có bản thể thần minh tương tự như mình.
Có kính, có trang kính, con người mới dễ dàng tu sửa tâm hồn cho hẳn hoi, ngay ngắn.
Chính vì thế mà Kinh Thi mới viết:
Chái Tây Bắc góc nhà thanh vắng,
Đừng làm chi đáng để hổ ngươi.
Đừng rằng tăm tối chơi vơi,
Đừng rằng tăm tối ai người thấy ta.
Thần giáng lâm ai mà hay biết,
Nên dám đâu khinh miệt, để ngươi?
(Kinh Thi, Đại Nhã, ức Thiên)
Trung Dung viết:
«Bản tính cũng chính là Thiên mệnh,
Đạo là nơi theo tính bản nhiên,
Giáo là cách giữ đạo nên,
Đạo Trời sau trước vẫn liền với ta.
Rời ta được đâu là đạo nữa.
Thế cho nên quân tử giữ gìn.
E dè cái mắt không nhìn.
Tai nghe không nỗi cho nên hãi hùng.
Càng ẩn áo lại càng hiện rõ
Càng siêu vi, càng tỏ sáng nhiều.
Nên dù chiếc bóng tịch liêu,
Đã là quân tử chẳng siêu lòng vàng.
Luận ngữ viết: «Ra khỏi nhà thì trang trọng như đón khách quí, Đối với dân, thì trang nghiêm như đang cử hành đại lễ.» (Luận Ngữ, XII, 2) (Xuất môn như kiến đại tân, sử dân như thừa đại tế. 出 門 如 見 大 賓, 使 民 如 承 大 祭)
Quan niệm Kính Trời của Nho gia này về sau cũng đã được du nhập vào các tiểu thuyết Trung Hoa.
Đọc bộ truyện Thuận Trị quá giang, ta thấy ở ngay hồi đầu có câu:
Nhân gian tư ngữ Thiên văn như lôi,
Ám thất, khuy tâm, thần mục như diện.
Nhân gian thầm thì với nhau,
Trời nghe mồn một ngỡ đâu sấm rền.
Phòng riêng lòng trạnh nỗi niềm,
Trời nhìn tỏ rõ như in chớp lòa.
Trong truyện Phản Đường, có kể tích truyện sau:
Địch Nhân Kiệt, trên đường lai kinh ứng thí, đến huyện Lâm Thanh, vào quán trọ nghỉ ngơi. Đêm đến, có một quả phụ xinh đẹp đến gặp ông trong phòng ngủ, tống tình, nài ép chuyện trăng hoa. Địch Nhân Kiệt mới đầu cũng động tình, vì thấy nàng nọ nhan sắc diễm kiều, lại ăn nói mặn mà duyên dáng, nhưng sau ông chợt nghĩ đến câu Hoàng Thiên bất khả khi, nghĩa là không thể lừa dối Trời được nên ông đã làm một bài thơ khẳng khái cự tuyệt.
Ngày hôm sau ở kinh sư, Vua Đường Thái Tôn hỏi quân sư là Lý Thuần Phong xem kỳ này ai sẽ đỗ trạng nguyên. Lý Thuần Phong về nhà trai giới rồi thiếp đi để lên thiên đình xem bảng Trời. khi hoàn hồn, ông tâu cho vua biết: trên bảng trời có sáu chữ «Hỏa khuyển, nhị nhân chi Kiệt» 火 犬 二 人 之 傑 và bên cạnh bảng còn có một lá cờ có ghi một bài thơ tứ tuyệt. Ông chép lại bài thơ ấy dâng lên vua. Vua đem niêm phong cất đi, để chờ ứng nghiệm. Đến khi Địch đỗ trạng nguyên, vào triều bệ kiến, vua Đường Thái Tôn mới vỡ lẽ ra rằng sáu chữ mà Lý Thuần Phong chép trên Bảng Trời bữa trước chính là tên Địch Nhân Kiệt 狄 仁 傑 viết theo lối chiết tự, còn bài thơ tứ tuyệt thì chính là bài thơ mà Địch Nhân Kiệt đã làm trong quán vắng đêm nọ, để cự tuyệt với quả phụ kia. Vua tôi đều thất kinh. Mới hay đúng là Hoàng Thiên bất khả khi vậy.
d. Theo tiếng lương tâm, cải hóa tu tâm.
Sau khi đã nắm chắc được rằng: Lương tâm con người là Bản Tính, là Đạo, là Trời, là Thái Hư, là Thiên địa chi tính, là gương mẫu hoàn thiện, còn tu tâm là «khí chất chi tính» có thanh có trọc khác nhau, có hay có dở khác nhau, Nho gia liền ra công: Noi theo lương tâm, cải hóa tu tâm.
Công phu này được Nho gia gọi Chính tâm: làm cho tâm hồn trở nên ngay thẳng, hay là Hàm Dưỡng, hay là Tồn Tâm, Dưỡng Tính.
Chung qui chỉ là Biến hóa cái «khí chất chi tính» theo từ ngữ của Trương Hoành Cừ.
Biết biến hóa cái Khí chất chi tính, biết cải hóa cái tâm mình, tức là biết áp dụng lẽ Dịch vào phương pháp tu thân vậy.
Mà Dịch dạy chúng ta những gì; nếu không phải là:
- Hãy rũ bỏ những gì tư tà.
- Hãy hoành dương những gì công chính.
- Hãy bỏ nơi ti tiện, mà vươn lên đến chốn thanh cao.
- Hãy từ bỏ sự tối tăm mà trở về với ánh sáng.
- Hãy tài bồi những gì còn khuyết điểm để đi đến chỗ viên mãn tinh toàn.
- Hãy rũ bỏ phiền tạp mà trở về giản dị.
- Hãy tránh rối loạn và hãy sống trong qui tắc, trong trật tự…
Áp dụng những lẽ Dịch trên vào công cuộc tu thân, ta sẽ tìm ra được những đường lối, những tôn chỉ sau:
- Tâm ta dễ loạn động, phải biết giữ cho định tĩnh tâm ta dễ phá tán, cần phải biết thu nhiếp, biết tập trung.
- Tâm ta rất dễ bị ngoại vật làm cho hôn ám, cần phải giữ cho nó được thanh hư, quang sáng.
- Tâm ta thường khuy khuyết, phải lo tài bồi cho ngày thêm viên mãn.
- Lương tâm là công chính, là thiên lý hằng cửu bất biến: tư tâm là tà ngụy, là nhân dục biến thiên. Vì vậy ta cần phải sống theo sự công chính, theo thiên lý, theo những định luật vĩnh cửu của trời đất, và cố tránh những gì nhân vi, nhân tạo, biến thiên, chất chưởng.
- Hãy mở tầm kích tâm hồn cho nó được ngày một thêm bao la rộng rãi ngày một thêm khoan quảng, hòa đồng.
Sau khi đã dùng Dịch lý để tìm ra những tôn chỉ có thể dùng làm kim chỉ nam cho công cuộc tu thân, ta sẽ tìm xem Nho gia bàn về tu thân, chính tâm ra sao.
Luận Ngữ chủ trương: Khắc kỷ, phục lễ. Thế tức là con người cần phải theo thiên lý, mà sửa nhân tình; theo lương tâm mà sửa tư tâm. Như vậy là Nhân đức (Khắc kỷ phục lẽ vi nhân. Luận Ngữ XII, I)
Công Đô Tử hỏi Mạnh Tử: «Cũng đều là người, nhưng tại sao có người thành ra đại nhân, có kẻ hóa ra tiểu nhân?» Mạnh Tử đáp rằng: «Ai noi theo cái đại thể của mình thì là bậc đại nhân, ai noi theo cái tiểu thể của mình, thì là kẻ tiểu nhân.
Đối với Mạnh Tử, thì ngũ quan là phần tiểu thể, còn tâm hồn là phần đại thể. Cái bụng cái miệng là phần tiểu thể, còn cái phần tinh thần là phần đại thể .
Mạnh Tử cũng còn nói rằng: «Cây cối trên núi Ngưu Sơn (về phía Đông Nam nước Tề) ngày xưa vẫn tốt tươi. Nhưng vì ở về một chỗ giáp nối với một nước lớn, cho nên thường bị búa rìu (của những kẻ tiều phu) bửa đốn. Như vậy có thể nào giữ vẻ tốt tươi được chăng? Nhưng nhờ có sức mạnh nhựa lưu thông ngày đêm, lại được mưa, sương tẩm nhuận, cho nên mới đêm chồi mở mộng. Rồi thì bò chiên kéo nhau từng đoàn đến ăn phá. Vì vậy mà cảnh núi ấy trở nên trơ trọi. Hiện nay thấy nó trơ trọi, ai cũng ngỡ là núi ấy chưa từng sản xuất tài mộc, (tức là những cây to lớn dùng trong việc kiến trúc). Như thế, há nên đổ lỗi cho bản tính của núi sao?
Cái bản tánh tồn tại nơi người cũng thế. Người ta há chẳng có những nỗi lòng nhân nghĩa sao? Nhưng vì họ (mê sa theo các sở dục) mà buông mất tấm lòng lương thiện của họ đi, cũng như cảnh núi trở nên trơ trọi, vì cây cối đều bị búa rìu bửa đốn hết vậy. Mỗi ngày, họ cứ sát phạt tấm lòng lương thiện của họ mãi, thì lòng dạ họ có thế nào tốt đẹp như xưa chăng? Tuy vậy, cái sức lành từ nơi bản tánh của họ vẫn còn sanh nảy ngày đêm.
Cái khí lực ấy thật chẳng bao nhiêu, nhưng vào buổi sáng sớm, nó có thể phát sinh ra lòng thương ghét một cách phải thể gần giống với lòng người lương thiện. Rồi từ sáng cho đến chiều, trong mọi cử chỉ hành vi của họ, họ lại ngăn bít và bỏ phế tấm lòng lành rất yếu ớt của họ nữa. Ngày này tháng kia năm nọ, họ vẫn cứ ngăn bít và bỏ phế như vậy mãi, rồi ra cái khí lực về đêm đâu còn sức bảo tồn cho cái lòng lương thiện của họ khỏi tiêu ma. Khi mà cái khí lực về đêm chẳng còn đủ sức bảo tồn cho cái lòng lương thiện của họ khỏi tiêu ma, bấy giờ họ chẳng khác gì cầm thú bao nhiêu vậy. Thấy họ chẳng khác gì cầm thú, ai nấy đều ngỡ rằng họ chưa từng có những thiên bẩm tốt. Như vậy, há nên đổ lỗi cho chân tình, thật tánh của họ sao?
Cho nên nếu khéo bồi dưỡng, thì vật nào cũng sanh nảy thêm, còn như chẳng chịu bồi dưỡng, thì vật nào cũng phải tiêu mòn. Đức Khổng Tử có nói rằng: «Giữ thì còn, bỏ thì mất. Nó vào ra không chừng và không ai biết nó ở đâu». Đó là đức Khổng nói về những nỗi lòng lương thiện của con người vậy.» (Mạnh Tử, Lão Tử, chương cú thượng, câu 8. Mạnh Tử, Đoàn Trung Còn).
Trương Hoành Cừ (1020-1077) cho rằng: «Người ta sở dĩ không đem tâm hợp với Thái Hư được là vì để cho cái tính khí chất nó sai khiến. Vậy nên học giả phải lấy sự biến hóa khí chất làm mục đích cho sự học của mình.
Đồng Lai, Lữ Tổ Khiêm (1137-1181) ví sự tu thân như là cách chữa bệnh. Người mắc bệnh phải tìm cho rõ bệnh căn để chữa mới lành. Kẻ học đạo phải tìm cho thấy nhược điểm của mình để tài bồi mới được tấn ích. Vậy nên, đối với Đồng Lai, người muốn theo học thánh hiền, trước hết phải dùng công phu ở sự biến hóa khí chất của mình kẻ mà nhu nọa phải tập cho được cương cường, kẻ nóng nảy phải nên tập cho khoan hòa, cứ tìm chỗ thiên lệch mà dụng lực.
Theo Thượng Thái (1050-1103) thì thiên lý và nhân dục là hai lẽ tương đối; người ta có một phần nhân dục tức là diệt mất một phần thiên lý. Có một phần thiên lý tức là thắng được một phần nhân dục. Khi người ta đã trừ bỏ được tất cả dục vọng ở trong lòng, thì phần còn lại tức là Thiên lý. Bởi vậy đối với Thượng Thái, kẻ học đạo muốn được giác ngộ, không cần phải tìm những điều xa xôi hư phi chỉ biết khắc kỷ phục lẽ, để giữ toàn thiên lý là đủ .
Luận về phương pháp tu thân, Lục Tượng Sơn (1139-1192) đưa ra 4 cương lĩnh: Lập chí, tiến học, tri bản và thu thập tin thần.
Lập chí, tiến học trên đây ta đã bàn tới rồi. Tri bản là hiểu cho được bản thể của «tâm» rồi cố dùng công phu để trừ bỏ điều tư dục, cho tâm trở nên trừng triệt, thanh minh.
Sau khi tri bản, học giả nên tiến thêm một bước nữa là Thu thập tinh thần. Tượng Sơn bảo rằng: «Thu được tinh thần ở trong, đáng trắc ẩn thì trắc ẩn, đáng tu ố thì tu ố, ai khi được ngươi? Ai dối được ngươi» Phương pháp thu thập tinh thần của Tượng Sơn là ngồi thẳng chắp tay, tự làm chủ tế, tức muôn vật đều có đủ ở thân.Tượng Sơn thường dạy học giả nên tĩnh tọa để tồn bản tâm, không cần dùng lời biện thuyết vô ích.
e. Phương pháo kiểm chứng.
Trong công cuộc tu thân, cần phải biết xét mình, biết kiểm thảo, kiểm chứng.
Tăng Tử xưa đã lấy sự xét mình làm trọng. Ông nói: «Hằng ngày ta hay xét mình vô ba điều này:
- Làm việc cho ai, ta có hết lòng chăng?
- Kết giao với bằng hữu, ta có thành tín chăng.
- Đạo lý do thày ta truyền dạy, ta có học tập chăng?
Luận Ngữ cho ta phương pháp kiểm chứng thành quả như sau:
- Người trí không lầm.
- Người nhân không buồn.
- Người Dũng không sợ.
Luận Ngữ còn thêm rằng:
«Nếu ta xét mình mà chẳng thấy điều gì lầm lỗi, thì việc gì mà buồn, việc gì mà sợ?
Trung Dung, Đại Học, Mạnh Tử đều cho rằng: Có đức độ bên trong, sẽ thấy hiển lộ ra bên ngoài.
Trung Dung viết: «Hoàn thiện rồi sẽ phát hiện ra ngoài hình sắc.» (Trung Dung chương XXIII)
Đại Học cho rằng: «Giàu thời nhà cửa khang trang
Đức thời thân thể khang an, rạng ngời.
Lòng mà khoan quảng, thảnh thơi,
Rồi ra sẽ thấy tốt tươi hình hài.» (Đại Học, VI)
Mạnh Tử cho rằng: «Người quân tử lập chí ở đạo, nếu chưa thấy phát huy được đạo ra bên ngoài, thì chưa đạt đạo.» (Mạnh Tử, Tận Tâm chương cú thượng, câu 24).
Như vậy, theo Nho giáo, nếu mỗi người mệnh danh là tu mà lời ăn tiếng nói còn thô lỗ, cục cằn, cách đi điệu đứng có tất tưởi lam lũ, sắc diện còn thảm đạm, ám hôn, cốt cách còn phàm phu ti tiện, chưa được trang nhã cao siêu, tinh thần còn ám hôn bì quyện chưa được quang minh, thanh sảng, thì chắc chắn rằng tâm hồn người ấy chưa được đẹp đẽ là bao nhiêu, kết quả tu trì của người ấy hãy còn ít ỏi, chưa đáng kể…
f. Mục đích tu thân của Nho giáo
Theo Nho giáo, tu thân không phải để tề gia trị quốc, bình thiên hạ không mà thôi, mà còn là để trở thành thánh hiền.
Nho giáo không muốn cho con người đứng lại nửa chừng trên con đường tu đạo, tinh tiến, vì thế Đại Học chỉ cho người lại khi đã tiến tới mức hoàn thiện.
Trong bài giải chương I Trung Dung, Chu Hi đã cho thấy rằng tất cả công phu tu thân, dưỡng, tồn, tỉnh, sát của người chính nhân quân tử đều có mục đích đưa tới chỗ «Thánh thân công hóa chi cực.»
Thánh nhân theo Nho giáo là mẫu người lý tưởng của Nhân loại, là những người thông minh duệ trí siêu phàm, là những người đã thể hiện được sự toàn thiện.
Chu Hi đã bình luận về Thánh Nhân như sau:
«Thánh nhân có một đời sống hoàn toàn phù hợp với thiên lý. Có thể nói được rằng thánh nhân được mệnh danh là Thành, chính vì đã sống cuộc đời hoàn toàn phù hợp với tính bản nhiên, với Thiên lý và vì vậy, đã phối hợp được với trời đất, đã sánh được với trời đất.
«Chu Liêm Khê cho rằng [20] chữ thành đồng nghĩa với chữ Thái Cực, với Lý. Thái Cực hay Lý ấy, bất kỳ ai cũng có, nhưng khi Thái Cực hay Lý đã lồng vào hình hài, khí chất không tinh tuyền, thì ảnh hưởng sẽ bị giới hạn lại. Chỉ có thánh nhân sống theo tính bổn thiện mình, nên thần trí người nhân định được hằng tính của mỗi vật, mỗi sự; ý chí người hướng vô chân, thiện mỹ không chút khó khăn và sống trong đường nhân, nẻo đúc, trong trật tự, trong bổn phận, không chút chi vất vả…
«Thánh nhân sở dĩ có cái nhìn tinh tế, thấu triệt, vì lòng không bợn tư tà, dục vọng, cho nên mới nhìn thấu đáo được những điều tinh vi huyền diệu.
«Thánh nhân vì không bị dục tình quấy nhiễu, nên lúc nào cũng ung dung, thanh thản. Thiên lý, thiên đạo được thể hiện nơi Ngài một cách sáng tỏ, để soi đường dẫn lối cho kẻ khác…
«Ảnh hưởng của Thánh nhân thực là vô biên như ảnh hưởng của Trời. Chu Hi nói: «Cũng y như xem bốn mùa vần xoay, xem vạn vật sinh hóa, thì biết được Thiên lý biến dịch khắp nơi mà chẳng cần Trời phải nói nên lời. Ở nơi thánh nhân cũng vậy, động hay tĩnh, nhất nhất đều khải minh nguyên lý huyền diệu; sự toàn thiện, tinh tuyền chứa sẵn nơi người». Và Chu Hi kết luận bằng những lời hào hứng như sau: Thánh nhân là hiện thân của Trời.» (Xem Stanislas le Call, Le Philosopche Tchou Hi, sa doctrine, son influence, p.63 và tiếp theo).
Trung Dung có rất nhiều chương nói về Thánh nhân. Ví dụ nơi chương XXXII, Trung Dung viết:
Chỉ những đấng chí thánh trong thiên hạ.
Mới có thể vì đời sang sửa đại kinh,
Mới có thể xây căn bản cho xã hội quần sinh.
Mới thấu rõ luật đất trời sinh hóa.
Những bậc ấy hết cần nương tựa,
Đức nhân ngài tuyệt thế,
Trí tuệ Ngài thâm uyên.
Tâm hồn Ngài mang nhiên,
Nên trừ phi bậc thông minh duệ trí,
Trừ những ai đạt đức Trời tuyệt mỹ,
Ai là người hiểu nổi được khúc nhôi…
Dịch Kinh bình luận về Thánh nhân như sau:
«Đại nhân đức hạnh bao la,
Như trời, như đất cao xa muôn trùng.
Sáng như nguyệt hai vừng,
Sống đời tiết tất hợp khung bốn mùa.
Những điều lành dữ, ghét ưa,
Quỉ thần đường lối đem so khác nào.
Trước Trời, Trời chẳng trách đâu,
Sau Trời cho hợp cơ màu thời gian.
Trời không trách cứ phàn nàn,
Thời người còn dám than van nỗi gì?
Trời người chẳng trách, chẳng chê,
Quỉ thần âu cũng chẳng hồ oán than.
(Kinh Dịch, quẽ Kiền, Văn ngôn hào Cửu ngũ).
TỔNG LUẬN
Để thâu tóm lại tất cả quan niệm về Tu thân theo Nho gia, ta có thể mượn lại những lời lẽ giản dị của Trung Dung và của Mạnh Tử.
Trung Dung chương XX viết:
Muốn thông thái, không ngoài học vấn,
Muốn tu Nhân, phải gắng công lao.
Muốn nên hùng dũng anh hào,
Ai câu liêm sĩ ghi vào thân tâm.
TRÍ, NHÂN, DŨNG tu thân ấy lý,
Biết tu thân ắt trị nổi người.
Trị người, hiểu biết khúc nhôi,
Con thuyền thiên hạ âu tài đẩy đưa…
Trung Dung chương XI viết:
Tìm bí ẩn làm điều quái dị,
Cốt mong cho hậu thế ngợi khen
(Xá chi chuyện ấy nhỏ nhen)
Đã là quân tử chẳng thèm quan tâm.
(Làm trai quyết chí tu thân).
Đường đường quân tử ta tuân đạo trời.
Giữa đường dứt gánh trở lui,
Bán đồ nhi phế có đời nào đâu!
Trung Dung quân tử trước sau,
Dẫu không tăm tiếng không rầu lòng ai.
Thánh nhân ấy thánh nhân rồi.
Mạnh Tử viết trong Thiên Tận Tâm chương cú thượng:
Thấu triệt lòng sẽ hay biết Tính,
Hay biết Tính, nhất định biết Trời.
Tồn tâm dưỡng tính chẳng rời,
Đó là giữ đạo thời Trời chẳng sai.
Yểu hay thọ không thay lòng dạ,
Cứ tu thân một thủa đợi Ngài
Đó là theo đúng mệnh Trời…
Mệnh Trời đó chớ rời gang tấc,
Theo ý Trời ta chắc không sai.
Cho nên kẻ biết mệnh Trời,
Tường long vách lở là nơi chẳng gần.
Sống trọn đạo đến cùng rồi chất,
Thế là theo đúng hết mệnh trời.
Gông cùm chết uổng một đời,
Ấy đâu phải chính ý Trời muốn đâu.
Muốn có Ngài tìm cầu sẽ có,
Muốn mất Ngài cứ bỏ Ngài đi.
Những điều lợi ích tinh vi,
Lòng ta ta kiếm, ta đi ta tìm.
Tìm cầu Ngài ta liền có đạo,
Có được Ngài trọn hảo mệnh trời.
Tìm điều vật chất bên ngoài,
Ngoài mình tìm kiếm sẽ hoài mất công.
Cả vạn vật ở trong ta đó,
Quay về ta ta cố tinh thành.
Kiên toàn hoàn thiện tinh anh,
Vui nào hơn được vui mình đang vui…
Cố đối với mọi người tử tế,
Muốn tìm Nhân, ấy thế là Nhân.
Vẫn mang Ngài mà thân chẳng hiển,
Vì quá quen nên khiến chẳng suy.
Suốt đời Ngài độ ta đi,
Nhưng mà dung tục biết chi đạo Ngài …
Nói giản dị, vắn tắt hơn, ta thấy rằng Nho gia chỉ dạy con người, khử nhân dục, tồn thiên lý.
Mà khử nhân dục là:
- Đừng bao giờ làm những điều tà khuất, đừng bao giờ suy niệm những gì tà khuất.
- Đừng làm gì hại mình, hại người.
- Đừng làm gì đến nỗi phải che dấu đậy điệm.
- Đừng làm gì khiến cho mình phải hối hận, phải phàn nàn, phải xấu hổ.
- Còn tồn thiên lý là:
- Làm những điều quang minh công chính, suy nghĩ những điều thanh tao, đẹp đẽ.
- Làm những điều ích mình, ích người.
- Làm những việc mà mình có thể làm được nơi thanh thiên, bạch nhật, nơi mọi người có thể trông thấy, nghe thấy, mà mình không vì thế mà phải xấu hổ, hối hận, phàn nàn.
Nói cho vắn tắt hơn nữa, ta thấy Nho gia chỉ dạy con người sống đúng theo tiếng gọi của Lương Tâm.
Giờ đây, chúng ta có thể dựa vào những tiêu chuẩn về tu thân nói trên của Nho giáo để kiểm điểm lại xem tại sao chúng ta chưa tiến được bao lăm trên đường nhân nẻo đức.
- Trước hết là vì chúng ta thiếu lập chí cho hẳn hoi. Chúng ta đã không có gan dám lập chí để thành thánh hiền.
- Hai là vì chúng ta đã không dốc tâm cầu đạo, không cố gắng học hỏi suy tư hết mình.
Những người thế gian cầu công danh lợi lộc có thể học hành, có thể làm lụng suốt ngày đêm, đến quên ăn quên ngủ, thế mà những con người cầu đạo lại chưa hề say đạo đến mức độ quên ngủ quên ăn để học hỏi suy tư.
Học hành phất phới làm sao mà khai trí, phát huệ?
- Ba là vì chúng ta chẳng nhiều thì ít đã đánh mất bản tâm, đã đánh rơi đánh mất lương tâm mà chẳng biết tìm nó lại.
Chúng ta có thể có một sự hiểu biết rất sâu rộng về các đạo giáo, các triết thuyết, các phép tu, lối luyện đông tây, ấy thế nhưng lại có một sự hiểu biết hết sức là nông cạn hời hợt về con người, về bản thân chúng ta. Ta tưởng rằng tâm ta chỉ toàn có những tình cảm vụn vặt, những niệm lự phù phiếm, những tình dục hư hèn, mà chẳng có gì là tinh hoa cao đại. Bao nhiêu cái hay cái đẹp mà ta hiện có trong tâm trí, là của xã hội bên ngoài, đạo giáo bên ngoài đổ vào.
Chúng ta chỉ chú trọng đến những tiếng khen chê của thế nhân bên ngoài, mà không chú trọng đến lời khen chê của Thần Lương Tâm bên trong. Chúng ta cho rằng Lương tâm có thể sai lầm, còn những vị lãnh đạo chính trị, xã hội, đạo giáo bên ngoài của chúng ta, mới thần thông quảng đại, không thể sai lầm.
Thế là mặc nhiên, chúng ta đã bị các tổ chức xã hội, chính trị đạo giáo bên ngoài moi móc mất chân tâm, làm lạc lõng mất chân tâm. Mà đã bị moi móc mất chân tâm rồi, thì dẫu trung nghĩa như Tỉ Can, chúng ta làm sao mà sống đời, sống đạo một cách đích thực được? Chính vì đã đánh mất chân tâm, cho nên nhiều khi chúng ta trở nên vẩn vơ, phờ phạc, bần thần, hoang mang, ngơ ngác, u muội, đành lòng để cho ngoại cảnh cuốn lôi, như những chiếc lá khô trước muôn cơn gió lốc.
Vì vậy, trong công trình tu đạo, điều cần thiết là phải tìm lại lương tâm, tin vào lương tâm, nghe theo lương tâm, sống theo lương tâm, làm hòa với lương tâm …
- Bốn là vì chúng ta đã không sống gần Trời, sống với Trời. chúng ta đã để cho Trời sống trên các từng trời cao thẳm, hay trong các đền đài, miếu mạo u linh, mà chẳng cho Trời sống trong đền thờ tâm hồn chúng ta. Và như vậy chúng ta đã mất một người hướng dẫn chân thành nhất, sáng suốt nhất, tài năng nhất.
- Năm là vì chúng ta không biết đặt trọng tâm cải thiện tâm tư mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mà coi đạo giáo như là một cuộc hành xác phũ phàng, như là một cuộc mặc cả bán buôn, điều đình giữa ta và Trời. Tại sao chúng ta hằng ngày biết tắm rửa, làm sạch, làm đẹp cho xác thân, mà lại quên chuyện sang sửa chỉnh trang lại tâm hồn chúng ta? Sao chúng ta lại trọng vật mà khinh hồn đến như thế vậy?
Khảo lại quan niệm tu thân theo Nho gia, ta thấy nó rất là trong sáng, rất là giản dị.
Các bậc thánh hiền Nho giáo trước sau chỉ khuyên chúng ta:
- Lập chí cho cao siêu, lập chí trở thành thánh hiền.
- Sống theo lương tâm.
- Cố gắng cải thiện nội tâm.
- Cố gắng học hỏi suy tư để tiến dần tới Chân Thiện Mỹ.
Ước gì quan niệm về tu thân theo Nho giáo sẽ góp phần làm bừng cháy lên ngọn lửa Thiên chân hiện còn đang âm ỉ, nhen nhúm trong lòng chúng ta và nhắc nhớ chúng ta bổn phận then chốt của cuộc đời đó là cố gắng tu thân để tiến tới Chân, Thiện, Mỹ.
Ước gì chúng ta hết thảy tìm lại được Bản tính Trời nơi ta.
Ước gì chúng ta luôn sống như trực diện với Thiên Nhan.
Ước gì chúng ta luôn sống theo tiếng gọi lương tâm.
Ước gì chúng ta trở nên những hiện thân của Thượng đế, nên những mẫu người lý tưởng, thể hiện được Chân Thiện Mỹ cho đến mức toàn vẹn. Mong lắm thay
Bagikan
QUAN NIỆM VỀ TU THÂN THEO NHO GIA
4/
5
Oleh
nguyentrichau